Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam

Ngày 15/10/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 4815/QĐ-BYT về Phê duyệt tài liệu “Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam”. Theo Quyết định này, Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam là các năng lực người Dược sỹ Việt Nam cần có khi thực hiện hoạt động hành nghề Dược tại Việt Nam.

Sự cần thiết của Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam:

  • Đối với xã hội: Tăng cường sự giám sát của xã hội với những cam kết về chất lượng đào tạo của ngành, cơ sở đào tạo. Hạn chế và khắc phục tình trạng cung cấp dịch vụ y tế không đạt chất lượng hay sai lầm do thiếu năng lực.
  • Đối với cơ sở sử dụng và quản lý nhân lực: Chuẩn hóa được năng lực cơ bản của Dược sỹ tại Việt Nam là căn cứ để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng chế độ lương, thưởng, đánh giá hiệu suất làm việc, xác định các lỗ hổng kỹ năng, năng lực để có chiến lược bồi dưỡng, đào tạo lại phù hợp. Chuẩn năng lực cũng là cơ sở quan trọng để đào tạo người lao động, hoạch định việc kế nhiệm cũng như quản lý sự thay đổi. Là căn cứ quan trọng để có thể triển khai thực hiện kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề Dược sỹ theo xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Là thông tin quan trọng giúp Bộ Y tế nói riêng và Nhà nước nói chung hoạch định các chính sách, quy định phù hợp trong việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực.
  • Đối với cơ sở đào tạo và người học: Là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực dược xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu xã hội. Là cơ sở cho sinh viên dược phấn đấu và tự đánh giá, hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập và sau khi ra trường. Gắn kết các hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo với thực tế nghề nghiệp.
  • Đối với hội nhập quốc tế: Là cơ sở để đối sánh chất lượng nguồn nhân lực Dược, thúc đẩy quá trình hội nhập, công nhận văn bằng giữa các cơ sở đào tạo dược của Việt Nam với các cơ sở đào tạo dược của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam được sắp xếp theo 7 lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có những tiêu chuẩn, trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí, tổng cộng có 84 tiêu chí. Dưới đây là toàn bộ nội dung của Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam.

Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam:

LĨNH VỰC 1. HÀNH NGHỀ CHUYÊN NGHIỆP VÀ CÓ ĐẠO ĐỨC

Tiêu chuẩn 1.1. Hành nghề theo quy định của pháp luật

  • Tiêu chí 1.1.1. Có kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật Việt Nam, luật Dược và các văn bản qui phạm pháp luật khác liên quan đến hành nghề dược.
  • Tiêu chí 1.1.2. Tuân thủ pháp luật Việt Nam, luật Dược và các văn bản qui phạm pháp luật khác liên quan đến hành nghề dược, các quy tắc ứng xử của cán bộ y tế.
  • Tiêu chí 1.1.3. Hành nghề trong phạm vi chuyên môn được phép, tuân thủ các qui định nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Tiêu chuẩn 1.2. Hành nghề theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp

  • Tiêu chí 1.2.1. Luôn đặt sự an toàn, lợi ích của người bệnh lên trên hết. Tôn trọng, bảo vệ quyền của người bệnh và khách hàng.
  • Tiêu chí 1.2.2. Tuân thủ các quy tắc đạo đức trong hành nghề và nghiên cứu y sinh dược học. Thận trọng, tỉ mỉ, chính xác trong khi hành nghề.
  • Tiêu chí 1.2.3. Hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước; trung thực, đoàn kết, tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp.
  • Tiêu chí 1.2.4. Thực hiện trách nhiệm xã hội một cách chuyên nghiệp.

Tiêu chuẩn 1.3. Hành nghề phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế

  • Tiêu chí 1.3.1. Nhận biết, tôn trọng các điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa của địa phương nơi hành nghề.
  • Tiêu chí 1.3.2. Thích ứng với các hoàn cảnh và điều kiện thực tế để thực hiện các hoạt động chuyên môn độc lập hoặc phối hợp.
  • Tiêu chí 1.3.3. Tiếp cận người bệnh, khách hàng và cộng đồng một cách khoa học, trách nhiệm, thấu hiểu và đồng cảm.
  • Tiêu chí 1.3.4. Hành nghề dựa trên nguyên tắc công bằng, không phân biệt các thành phần xã hội.
  • Tiêu chí 1.3.5. Coi trọng việc kết hợp kiến thức y dược học hiện đại với y dược học cổ truyền.
  • Tiêu chí 1.3.6. Tích cực, chủ động tuyên truyền kiến thức về chăm sóc, báo vệ sức khoẻ cộng đồng. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoe ban đầu có chất lượng.

Tiêu chuẩn 1.4. Học tập suốt đời

  • Tiêu chí 1.4.1. Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời; Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ để đáp ứng các yêu cầu phát triển nghề nghiệp và phục vụ nhu cầu xã hội.
  • Tiêu chí 1.4.2. Chủ động thu thập, đánh giá và sử dụng các nguồn thông tin phản hồi về công việc của bản thân một cách hệ thống, thường xuyên, có cơ sở khoa học để xác định nhu cầu học tập, phát triển chuyên môn phù hợp.
  • Tiêu chí 1.4.3. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.

LĨNH VỰC 2. NĂNG LỰC GIAO TIẾP – CỘNG TÁC

Tiêu chuẩn 2.1. Giao tiếp hiệu quả

  • Tiêu chí 2.1.1. Có kiến thức và áp dụng hiệu quả các nguyên tắc của giao tiếp với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng, đồng nghiệp và cộng đồng.
  • Tiêu chí 2.1.2. Lựa chọn được phương thức phù hợp, hiệu quả khi giao tiếp với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng khác nhau về tuổi, giới, tôn giáo, văn hoá – xã hội, ngôn ngữ và các đối tượng gặp trở ngại trong giao tiếp.
  • Tiêu chí 2.1.3. Nhận biết, phân tích và hành động để giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc vấn đề tiềm tàng; Quản lý và giải quyết được xung đột.
  • Tiêu chí 2.1.4. Vận dụng kỹ năng giao tiếp nhằm đạt được kết quả mong muốn với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng và đồng nghiệp.

Tiêu chuẩn 2.2. Xây dựng được mối quan hệ thân thiện, hợp tác, tin tưởng với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng, đồng nghiệp và cộng đồng

  • Tiêu chí 2.2.1. Lắng nghe, chia sẻ thông tin cần thiết, phù hợp và hiệu quả với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng, đồng nghiệp và cộng đồng.
  • Tiêu chí 2.2.2. Thấu cảm, thương lượng và giải quyết những băn khoăn, lo lắng của người bệnh, người chăm sóc, khách hàng, đồng nghiệp và cộng đồng.
  • Tiêu chí 2.2.3. Hướng dẫn, khuyến khích và thảo luận với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng, đồng nghiệp và cộng đồng trong việc ra quyết định và giải quyết các vấn đề về sức khoẻ trên cơ sở thỏa thuận đồng ý.

Tiêu chuẩn 2.3. Cộng tác có hiệu quả với đồng nghiệp và đối tác

  • Tiêu chí 2.3.1. Cộng tác với đồng nghiệp và đối tác dựa trên các nguyên tắc chân thành, tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đàm phán và thương lượng.
  • Tiêu chí 2.3.2. Hiểu được vai trò, trách nhiệm và chuyên môn của người dược sỹ và các thành viên khác trong làm việc nhóm. Tôn trọng ý kiến đóng góp của các thành viên khác.
  • Tiêu chí 2.3.3. Thúc đẩy làm việc nhóm hiệu quả. Thể hiện và duy trì được vai trò chủ chốt trong làm việc nhóm để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuốc.

LĨNH VỰC 3. TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ

Tiêu chuẩn 3.1. Kỹ năng lập kế hoạch

  • Tiêu chí 3.1.1. Tham gia thu thập thông tin, xác định vấn đề, mục tiêu và lập kế hoạch cho công việc được phân công.
  • Tiêu chí 3.1.2. Có khả năng tham gia vào một số qui trình lập kế hoạch chung của đơn vị.

Tiêu chuẩn 3.2. Tổ chức làm việc hiệu quả

  • Tiêu chí 3.2.1. Mô tả các nguyên tắc tổ chức và có khả năng xác định các vấn đề về nhân lực theo vị trí công tác tại nơi làm việc.
  • Tiêu chí 3.2.2. Mô tả vai trò của cá nhân trong cơ cấu tổ chức. Thực hiện và góp phần cải tiến, hoàn thiện các thủ tục, quy trình tại nơi làm việc.
  • Tiêu chí 3.2.3. Thực hiện sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc, theo quy trình và đảm bảo đúng tiến độ công việc theo kế hoạch đề ra.
  • Tiêu chí 3.2.4. Thực hiện ứng xử, làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp với các nhà quản lý cấp trên và nhân viên cấp dưới (nếu có).
  • Tiêu chí 3.2.5. Độc lập, tự chủ trong công việc, có ảnh hưởng tích cực tới đồng nghiệp. Nhận thức và chịu trách nhiệm cá nhân tại nơi làm việc.

Tiêu chuẩn 3.3. Thông tin và ra quyết định

  • Tiêu chí 3.3.1. Có khả năng thu nhận, xử lý thông tin và ra quyết định phù hợp.
  • Tiêu chí 3.3.2. Truyền đạt thông tin chính xác, đầy đủ và thuyết phục người khác ở nơi làm việc.

Tiêu chuẩn 3.4. Kỹ năng giám sát và đánh giá

  • Tiêu chí 3.4.1. Có kỹ năng tự đánh giá, giám sát công việc của bản thân, tự học hỏi để hoàn thiện và phát triển.
  • Tiêu chí 3.4.2. Có khả năng phát hiện một số vấn đề tồn tại trong công việc, đưa ra được ý kiến đề xuất để khắc phục.

LĨNH VỰC 4. ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

Tiêu chuẩn 4.1. Quán lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc

  • Tiêu chí 4.1.1. Có kiến thức tổng quát về hệ thống quản lý chất lượng thuốc, các nguyên tắc và chuẩn mực áp dụng trong hệ thống quản lý chất lượng thuốc.
  • Tiêu chí 4.1.2. Có kiến thức cơ bản về các kỹ thuật phân tích thường được sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
  • Tiêu chí 4.1.3. Triển khai được việc phân tích, kiểm nghiệm thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Dược điển Việt Nam.
  • Tiêu chí 4.1.4. Có khả năng tham gia xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

Tiêu chuẩn 4.2. Đảm bảo chất lượng thuốc trong sản xuất và cung ứng

  • Tiêu chí 4.2.1. Hợp tác với các bên liên quan để kiểm soát chất lượng thuốc trong quá trình sản xuất và cung ứng.
  • Tiêu chí 4.2.2. Có kiến thức và áp dụng được các nguyên tắc thực hành tốt (GPs) trong sản xuất và cung ứng.
  • Tiêu chí 4.2.3. Tham gia xây dựng và áp dụng các quy trình thao tác chuẩn (SOPs) để đảm bảo chất lượng thuốc.
  • Tiêu chí 4.2.4. Tham gia các hoạt động kiểm tra chất lượng thuốc theo yêu cầu thực tế.

Tiêu chuẩn 4.3. Tham gia nghiên cứu đảm bảo chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc

  • Tiêu chí 4.3.1. Tham gia đánh giá, phân tích nguy cơ và xu hướng về chất lượng thuốc trong quá trình sản xuất, cung ứng, bảo quản và đề xuất các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng thuốc.
  • Tiêu chí 4.3.2. Có khả năng tham gia thực hiện các kỹ thuật phân tích thuốc trong nghiên cứu phát triển thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

LĨNH VỰC 5. BÀO CHẾ, SẢN XUẤT THUỐC VÀ NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

Tiêu chuẩn 5.1. Sản xuất, phát triển nguyên liệu làm thuốc

  • Tiêu chí 5.1.1. Có kiến thức cơ bản về chiết xuất, công nghệ sinh học, bán tổng hợp, tổng hợp trong sản xuất nguyên liệu làm thuốc.
  • Tiêu chí 5.1.2. Vận dụng các kiến thức về chiết xuất, công nghệ sinh học, bán tổng hợp, tổng hợp trong xây dựng quy trình và sản xuất một số nguyên liệu làm thuốc.
  • Tiêu chí 5.1.3. Ứng dụng các kiến thức về thực vật, dược liệu, dược học cổ truyền để tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc.

Tiêu chuẩn 5.2. Bào chế, sản xuất thuốc

  • Tiêu chí 5.2.1. Có kiến thức, kỹ năng về triển khai thực hiện nghiên cứu, phát triển công thức các dạng thuốc.
  • Tiêu chí 5.2.2. Đánh giá được vai trò, ảnh hưởng của các thành phần trong công thức, qui trình bào chế, sản xuất đến độ ổn định, độ an toàn, sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của thuốc.
  • Tiêu chí 5.2.3. Xây dựng, triển khai quy trình sản xuất một số dạng bào chế quy ước.
  • Tiêu chí 5.2.4. Có khả năng thực hiện được việc tổ chức và pha chế một số thuốc tại cơ sở điều trị.
  • Tiêu chí 5.2.5. Vận dụng một cách phù hợp, trách nhiệm và có đạo đức những kiến thức về dạng bào chế, sinh dược học trong lựa chọn và sử dụng thuốc.

LĨNH VỰC 6. CUNG ỨNG THUỐC

Tiêu chuẩn 6.1. Thực hiện được lựa chọn thuốc

  • Tiêu chí 6.1.1. Có kiến thức về các nguyên tắc xác định nhu cầu và lựa chọn thuốc.
  • Tiêu chí 6.1.2. Thực hiện lựa chọn thuốc phù hợp với nhu cầu.

Tiêu chuẩn 6.2. Thực hiện được mua sắm thuốc hợp lý và phù hợp với các quy định

  • Tiêu chí 6.2.1. Có kiến thức về các nguyên tắc mua sắm thuốc.
  • Tiêu chí 6.2.2. Thực hiện các quy trình, thủ tục trong mua sắm thuốc theo chính sách y tế, chính sách bảo hiểm và các quy định liên quan.
  • Tiêu chí 6.2.3. Xây dựng kế hoạch dự phòng trong trường hợp thiếu thuốc.

Tiêu chuẩn 6.3. Thực hiện phân phối, cấp phát và tồn trữ thuốc

  • Tiêu chí 6.3.1. Có kiến thức về hệ thống phân phối thuốc; các nguyên tắc, quy định trong phân phối, cấp phát và tồn trữ thuốc.
  • Tiêu chí 6.3.2. Cấp phát đúng thuốc, đúng người bệnh, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian.
  • Tiêu chí 6.3.3. Xác định và có giải pháp giảm thiểu các nguy cơ sai sót có thể gặp phải trong phân phối, cấp phát và tồn trữ thuốc.
  • Tiêu chí 6.3.4. Quản lý tồn trữ thuốc hiệu quả.
  • Tiêu chí 6.3.5. Đảm bảo hệ thống lưu trữ thông tin, minh chứng phù hợp trong phân phối, cấp phát và tồn trữ thuốc.
  • Tiêu chí 6.3.6. Lập kế hoạch và triển khai được hoạt động thu hồi, tiêu hủy thuốc theo quy định.

Tiêu chuẩn 6.4. Thực hiện quản lý sử dụng thuốc

  • Tiêu chí 6.4.1. Vận dụng đượccác qui định về cung ứng trong quản lý sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả và kinh tế.
  • Tiêu chí 6.4.2. Vận dụng được một số phương pháp phân tích danh mục thuốc sử dụng tại cơ sở y tế trong quản lý cung ứng thuốc.

LĨNH VỰC 7. SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ

Tiêu chuẩn 7.1. Tham gia xây dựng kế hoạch điều trị cho người bệnh

  • Tiêu chí 7.1.1. Cókhả năng khai thác được các thông tin phù hợp liên quan đến bệnh và thuốc của người bệnh để làm cơ sở xây dựng kế hoạch điều trị.
  • Tiêu chí 7.1.2. Phân loại người bệnh và lập kế hoạch điều trị bằng các thuốc không kê đơn trong trường hợp bệnh lý/triệu chứng thông thường.
  • Tiêu chí 7.1.3. Đánh giá được đơn thuốc điều trị ngoại trú của người bệnh và tư vấn, trao đổi được với người kê đơn trong trường hợp phát hiện việc kê đơn thuốc không hợp lý.
  • Tiêu chí 7.1.4. Tham gia được vào nhóm đa ngành (bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ) để lập kế hoạch điều trị bằng thuốc phù hợp với người bệnh.

Tiêu chuẩn 7.2. Triển khai kế hoạch điều trị cho người bệnh

  • Tiêu chí 7.2.1. Tư vấn được các thuốc không kê đơn và chế độ dùng thuốc phù hợp cho từng người bệnh trong trường hợp bệnh lý/triệu chứng thông thường đảm bảo an toàn, hiệu quả và kinh tế.
  • Tiêu chí 7.2.2. Tư vấn được cho người bệnh cách dùng thuốc và các biện pháp tự theo dõi trong trường hợp điều trị ngoại trú. Đảm bảo người bệnh hiểu về việc sử dụng thuốc và biết cách xử trí khi gặp phải các vấn đề trong quá trình dùng thuốc.
  • Tiêu chí 7.2.3. Phối hợp được với bác sĩ để lựa chọn thuốc và chế độ dùng thuốc phù hợp với từng người bệnh nội trú theo kế hoạch điều trị.
  • Tiêu chí 7.2.4. Hướng dẫn cách dùng thuốc đảm bảo hiệu quả, an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và hướng dẫn cách theo dõi dùng thuốc.

Tiêu chuẩn 7.3. Theo dõi, giám sát việc sử dụng thuốc trên người bệnh

  • Tiêu chí 7.3.1. Theo dõi dùng thuốc dựa trên kế hoạch điều trị và diễn biến lâm sàng của người bệnh, tư vấn điều chỉnh kế hoạch điều trị cho người bệnh nếu cần.
  • Tiêu chí 7.3.2. Xác định các vấn đề liên quan đến thuốc hoặc tuân thủ điều trị phát sinh trong quá trình sử dụng thuốc của người bệnh, đề xuất được biện pháp can thiệp phù hợp.
  • Tiêu chí 7.3.3. Phát hiện, tham gia xử trí và báo cáo các phản ứng có hại của thuốc và sai sót trong sử dụng thuốc trên người bệnh.
  • Tiêu chí 7.3.4. Tham gia vào các quy trình cảnh báo và giám sát sử dụng các thuốc có khoảng điều trị hẹp, thuốc nguy cơ cao.

Tiêu chuẩn 7.4. Tham gia các hoạt động thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý tại cơ sở y tế

  • Tiêu chí 7.4.1. Tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các danh mục thuốc và quy trình, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc.
  • Tiêu chí 7.4.2. Triển khai quy trình thông tin thuốc tại cơ sở y tế.
  • Tiêu chí 7.4.3. Triển khai quy trình cảnh giác dược tại cơ sở y tế.
  • Tiêu chí 7.4.4. Tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động đào tạo tập huấn liên quan đến sử dụng thuốc hợp lý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *